Truyền thuyết Gen Z hay “bật sếp”: Sự thật hay lời đồn thổi từ định kiến thế hệ?

Gen Z hay nhảy việc, Gen Z không thích những công việc áp lực, Gen Z ngại cống hiến, Gen Z có cái tôi lớn…, rất nhiều định kiến đang được gán cho Gen Z trong môi trường công sở. Đặc biệt, cụm từ “Thích Bật Sếp” nổi lên như một đặc điểm để mô tả Gen Z trong văn hoá doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu sự thật về lời đồn đại đang bủa vây giới trẻ này.

Có tồn tại hay không văn hoá “bật sếp” của Gen Z?

Gen Z là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012. Những Gen Z đời đầu đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu hành trình xây dựng sự nghiệp của mình. Lớn lên trong môi trường số hóa giúp các bạn trẻ sở hữu kỹ năng công nghệ xuất sắc và khả năng nhanh chóng tiếp thu, áp dụng công nghệ mới vào cuộc sống và công việc. Do được phát triển trong một môi trường hiện đại, đề cao kỹ năng linh hoạt và sáng tạo, Gen Z là một thế hệ có cá tính mạnh, cái tôi lớn và muốn khẳng định bản thân và luôn thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của mình.

Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến phong cách làm việc của thế hệ này nói chung. “Bật sếp” là một hành vi có cùng bản chất với “Phản biện”, tuy nhiên, phản biện là đánh giá và thảo luận vấn đề theo hướng đa chiều, sẵn sàng chấp nhận cái mới với thái độ lịch sự tôn trọng và mục đích là hợp tác cùng phát triển. Phản biện sai cách sẽ dễ bị hiểu lầm thành “cãi”, “bật”, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, thích chống đối và kéo theo những mâu thuẫn không đáng có.

Một trong các vấn đề của Gen Z khi hoà nhập vào môi trường doanh nghiệp là khả năng giao tiếp hạn chế. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, kết nối với nhau chủ yếu qua các nền tảng internet, khả năng giao tiếp trực tiếp bị suy giảm. Các bạn trẻ với cá tính mạnh mẽ nhưng lại chưa thực sự hoàn thiện đủ đầy về giao tiếp, bản lĩnh, tư duy xã hội cũng như ý thức văn hoá doanh nghiệp. Điều này khiến cho Gen Z dễ trở thành đối tượng dễ lên tiếng “bật sếp” hơn.

Mặt khác, rất nhiều nhân sự trẻ cho rằng “bật sếp” thực tế rất hiếm xảy ra ở môi trường làm việc mà chỉ là một content vui do chính Gen Z tạo ra để “câu view” trên mạng xã hội. Với khả năng tư duy đa dạng và không giới hạn, các bạn trẻ phóng tác những trải nghiệm từ cuộc sống xung quanh để sáng tạo ra các nội dung độc đáo trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook…